Marketing Trực Tuyến

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2010

Những gã “khùng” ra biển câu cá

(Dân trí) - Khuôn mặt lạnh lùng đăm chiêu, ánh mắt sắc như dao nhìn chằm chằm vào “vũ khí”. Trước mênh mông biển cả, mặc cho “gió xô sóng, sóng xô đá”, những gã “máu lạnh” vẫn kiên nhẫn ngồi rình con mồi hàng giờ liền. Họ đang chờ cá cắn câu.
Vác cần lên!

Chỉ nghe “mật khẩu” đó là họ nhanh chóng tụ họp, chuẩn bị cho một chuyến ra khơi câu cá biển. Lần này, nhóm quyết định ra đảo Hòn La, cách đất liền chừng 2km. Đây là một hòn đảo nhỏ, khô cằn chỉ toàn đá sỏi và cây bụi nhưng lại có những bãi đá tuyệt đẹp. Cũng là một địa điểm câu nhiều thách thức.

Còn thuyền nhỏ chồng chềnh đưa hơn 20 gã trai “trốn vợ” đi theo những nàng tiên cá. Lên đến đảo, không kịp nghỉ ngơi, các chàng đã vác cần đi tìm nơi buông câu. Họ đi men theo những bãi đá sắc như dao, vòng ra sau đảo, quan sát kĩ lưỡng rồi mỗi người chọn cho mình một vị trí thích hợp.


Mỗi người chọn cho mình một vị trí đặt câu thích hợp.

Câu cá biển thuộc dạng khó nhất, dụng cụ từ cần, mồi, lưỡi, chì… phải là cỡ bự. Phải sử dụng loại mồi sống, còn giãy đành đạch mời lừa được những chú cá hàng khủng của biển khơi.

Ngoài kỹ năng câu điêu luyện các cần thủ còn phải có sức khoẻ tốt bởi cá biển thường rất lớn, lến đến cả chục kg, nhiều khi bị dính câu chúng vẫn quẫy mạnh và ra thoát được.


Câu cá biển, ngoài kỹ năng điêu luyện phải có sức khỏe tốt.

Lần đi câu này gặp nhiều khó khăn hơn họ tưởng. Bãi câu quá nhiều đá ngầm nên lưỡi câu vướng đá, đứt liên tục. Các cần thủ phải thường xuyên ngừng câu để nối lưỡi mới. Những viên chì to thường dùng để câu cá biển trở nên phản tác dụng vì càng nặng càng dễ “mắc cạn”. Không ai mang chì loại nhỏ, mọi người lại phải “cạy cục” gọt viên chì cứng ngắc cho nhỏ đi để dễ câu.

Anh Long (một cần thủ người Đà Nẵng) vừa “văng” lưỡi câu ra xa là bỗng nhiên như biến thành người khác. Anh chàng vui tính hay trêu, hay đùa như bị thôi miên, đứng bất động, mắt nhìn chăm chăm xuống biển hàng giờ. Mọi người bấm bấm tôi: “Những lúc như thế này đừng đến gần, hỏi han hắn chi hết”.


Tập trung cao độ chờ cá cắn câu.

Quá ngọ. Bóng người đã quay tròn dưới chân. Chưa chú cá nào dại dột dính mồi. Dường như những chú cá biển được sóng gió rèn luyện cho cái bản tính khôn ngoan nên không dễ “bị lừa” như giống cá đồng, cá sông.

Bữa trưa là một cặp lồng cơm nắm chấm muối vừng được chuẩn bị từ tối qua, khá hấp dẫn với những cái bụng đói. Nhưng hình như những gã trai này chưa có ý định ngừng câu, mặc kệ “vị khách mời đặc biệt” là tôi ngậm ngùi nghe bụng sôi ọt ọt. Anh Cường, biệt danh Cá rô đồng, tuyên bố: “Chưa câu được cá chưa về ăn cơm”, nghe mà bủn rủn cả chân tay.

Đang ôm bụng đói, bỗng nghe anh Hùng “La” (anh này là công nhân xây dựng cảng Hòn La nên mới có biệt danh thế) hét to: “cá cá…”. Anh giật mạnh rồi miệt mài quay máy, cuốn dây. Tay anh thoăn thoắt quay không chớp mắt. Đây rồi! một con cá mắt quỷ chừng 5kg đang giẫy giụa, cái miệng tham mồi ngoác ngoác thở, mắt trợn tròn đỏ ngầu. Hùng “La” với tay chụp, con cá tham sống quẩy cựa mãnh liệt. Bàn tay chắc nịch của người thợ hàn bóp chặt, gỡ lưỡi câu “oan nghiệt” từ miệng con cá, anh giơ cao cười đắc thắng: “Tao thắng mày rồi nhé!”.

Cái thú… trời đày

Xưa, ông cha ta xếp câu cá vào hàng tứ ẩn (ngư, tiều, canh, độc), để nói cái thú điền viên, lánh xa trần tục. Nay, câu cá trở thành thú chơi của những anh chàng lái xe, thợ hàn, nhân viên ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin… Những con người năng động và không hề có ý định ở ẩn.

Khi được hỏi “tại sao lại đam mê câu đến thế?”, mấy anh cười, đùa: “Không biết nữa, cứ thấy cần cong vút, bất kể cần của ai là thấy sướng lắm”.


Niềm phấn khích trước những chiến lợi phẩm vừa thu được.

Rồi anh Minh tâm sự thật thà: “Đã mất công thì “chơi” cho đến nơi đến chốn, “chơi” cho đáng thời gian, niềm đam mê, cho bõ công thích thôi mà”. Đúng là “chơi” đến nơi đến chốn thật! Mỗi bộ câu cá gồm cần, cước, chì, lưỡi câu… cũng ngót nghét cả triệu bạc.

Anh Hùng kể chuyện: “Hồi mới chơi chỉ câu cần nhựa giá 45.000đ thôi, càng ngày càng ham, đầu tư cần xịn mấy cũng thấy không thoả”. Rồi tiền lưỡi, tiền mồi, tiền xăng xe đi lại, nhất là những chuyến ra khơi xa câu cá biển. Tất thảy cũng ngốn kha khá tiền lương tháng.

Tài chính là một nhẽ, nhìn cái công bỏ ra mới thấy niềm đam mê thực sự. Anh Long kể: “Mình đi câu từ Nam chí Bắc rồi. Có lần không rủ được bạn, một mình vác cần vô tận Khánh Hoà, ngồi câu một đêm ở biển Nha Trang rồi lộn ra lại để kịp đi làm”.

Long là người Đà Nẵng, nên địa điểm câu thường xuyên của anh chàng này là cảng Tiên Sa. “Có lần đi câu đêm ngủ quên mất, đến khi thấy mặt trời chói vô mắt mới biết trời sáng. Tối đó bạn gái không liên lạc được giận cả tháng luôn”, anh chàng cười bẽn lẽn.

Một cần thủ khác gốc Ba Đồn (Quảng Bình) tên là Lê Minh. Là công tử chính hiệu, anh chàng khá nhàn rỗi, cũng lắm “của ăn của để” nhưng không đua đòi mấy thói xấu mới du nhập về thị trấn đang lên này.

Minh chỉ mê độc một thứ: Câu cá sông. Cứ hở ra là vác cần vào sông Gianh câu cá. Câu từ sáng sớm đến tối mịt mờ. Nhiều khi không có gì cũng không chịu về. Đôi khi được con cá chình bé tí, kéo lên, ngắm xem mặt mũi nó thế nào rồi thả xuống sông. Vừa thả vừa lẩm bẩm như nàng Tấm gọi cá bống: “chờ mày lớn rồi ta ra câu nhé!”.

Cái sự si mê hơi điền rồ của các anh đôi khi cũng khiến các chị vợ kêu ca. Chị Lê, vợ anh Cường “cá rô đồng” than thở: “Không hiểu nổi ông ấy đam mê chi cái chuyện câu kéo này nữa. Ngồi cả ngày ngoài nắng, bỏ cơm bỏ nước để câu mấy con cá nhép. Tôi nói ông thèm cá thì tui mua cho mà ăn. Ông chỉ cười cười. Đúng thiệt là trời đày”.

Ngồi cạnh chị, anh cười tủm tỉm, nịnh vợ: “Vợ than thế thôi chứ mai lại cơm đùm cơm nắm cho anh đi câu ấy mà, vợ nhỉ?”.

Lúc về chị thì thầm vào tai tôi: “Cũng may ông mê câu cá chứ mê câu mấy thứ tầm bậy khác còn nguy hiểm hơn. Câu cá cũng tốt cho sức khoẻ, lại rèn được cái tính nóng của ông ấy. Nên ông ấy đi câu là cho đi thôi, lâu lâu nhà lại có bữa tươi cải thiện”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét