Marketing Trực Tuyến

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2010

Học trò Gò Hí vào mùa đào trùn mưu sinh

(Dân trí) - Từ 3-4 năm nay, mùa hè của các em học trò thôn Gò Hí, xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam) là ngày ngày theo ba, theo chú, theo anh và chúng bạn ra bãi Cồn Sóng đào trùn đất, mưu sinh phụ giúp gia đình.

Vậy là vừa hết một năm học, những học trò thôn Gò Hí lại tất bật mưu sinh mà không hề có thời gian nghỉ ngơi sau những tháng dài bận bịu với sách vở và những kỳ thi.

Chờ khi nước cạn nhặt niềm vui

Nước cạn, là khi thủy triều trên con sông bao bọc thôn Gò Hí rút nước, lộ ra bãi Cồn Sóng đen sánh bùn non và những ụ bùn non đã khô quánh lại vì nắng gắt trồi lên những lỗ nhỏ li ti, là nơi những con trùn đất trú ẩn. Khoảng độ cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi học trò bắt đầu nghỉ hè, cũng là thời điểm nghề đào trùn đất được mùa nhất. Cứ 2 - 5 giờ chiều mỗi ngày, từ ngày 20 đến 30 hàng tháng, lúc thủy triều rút ra xa nhất, cũng là lúc dễ dàng săn bắt trùn nhất.

Em Huỳnh Phước Diện, vừa xong năm học lớp 8, tranh thủ thời gian nghỉ hè cùng gia đình và những bạn bè cùng trang lứa chờ ngay khi nước cạn là rủ nhau ra bãi Cồn Sóng đào trùn bất kể trời đang nắng chang chang đổ lửa. Tay Diện thoăn thoắt tay xẻng xới bùn đất, tay thò nhanh xuống hang vừa xới rộng ra bắt trùn. Với kinh nghiệm 2 mùa hè đào trùn mưu sinh, Diện mô tả rành rọt: “Cứ thấy ụn đất nhỏ trồi lên có một lỗ nhỏ bên trên là biết ngay có con trùn bên dưới. Mỗi hang như vậy chỉ có một con. Hiếm lắm mới cuốc được một hang có hai con. Mà mình phải nhanh tay lẹ mắt. Nó lủi nhanh lắm. Hễ nó ùn mình làm trồi đất lên là phải cuốc xẻng xuống thật mạnh và sâu và lấy nó lên quẳng vào chỗ bùn khô là nó không lủi lại xuống lòng đất được nửa”.

Cả mùa hè, Diện cùng bạn bè trang lứa vào cuộc mưu sinh phụ giúp gia đình.

Hùng Vinh, cậu bạn học cùng trang lứa với Diện chia sẻ: “Cỡ ni còn sớm chớ chút chiều xế bóng chút là bãi này đông người lắm. Tụi em tranh thủ canh nước cạn ra sớm để đào được nhiều. Trời nắng như vậy cực nhưng mà bắt được nhiều trùn vui lắm”.

Bất kể trời nắng chang chang, chờ khi nước cạn là các em thoăn thoát tay cuốc tay đào trùn đất.
Niềm vui mùa hè của các em là được phụ giúp gia đình.

“Cực mà vui…”

Trùn bắt được đem về phơi một nắng đã khô rang. Một kg trùn khô bán cho thương lái được 250- 300 nghìn đồng tùy thời điểm. Một “tay” đào trùn trung bình mỗi ngày đào được gần 2 kg trùn sau khi đã phơi khô, kiếm được 400- 500 nghìn đồng, quả thực là một khoản thu nhập không nhỏ với những người dân thôn Gò Hí, vốn quanh năm chủ yếu mưu sinh với nghề đánh bắt thủy hải sản nhỏ lẻ gần bờ.

Một kg trùn đất phơi khô bán được 250- 300 nghìn đồng là một khoản thu nhập không nhỏ với những hộ dân thôn Gò Hí.

Chị Võ Thị Hai, mẹ của em Huỳnh Phước Diện cho biết: “Nghề này mới được 3- 4 năm trở lại đây thôi. Từ khi dân trong thôn thấy đám người lạ từ tứ xứ về đây tìm đào trùn. Thấy có thương lái tới tận thôn hỏi mua. Vậy là tụi nhỏ theo ba với anh trai ra bãi coi học người ta đào trùn. Cánh thương lái gọi con này là con sâm đất. Nghe nói có thể đem chế biến thành vị thuốc nam chữa bệnh hen suyễn hiệu quả nên được giá. Mà loại này phơi khô xong nướng lên ăn cũng chẳng khác chi mực nướng, ngọt hơn nữa. Thử tính, một tháng có khoảng 10 ngày nước cạn hung là có nhiều trùn, mỗi ngày thằng Diện được gần 2 ki lô, khoảng 500 nghìn. 10 ngày kiếm năm triệu, thêm phần của ba với anh trai là thong thả lo cho tụi nhỏ sửa soạn vào năm học mới. Lại có thêm tiền cho gia đình dành dụm lo bữa ăn phòng những tháng mưa gió, không làm ăn chi được…”.

Vậy mới hiểu niềm vui của Diện, của Vinh, của những cậu học trò nhỏ thôn Gò Hí khi đào được những con trùn đất. Bán cả mùa hè trên bãi Cồn Sóng, các em vào cuộc mưu sinh cùng gia đình, vơi nhẹ gánh lo cho ba mẹ mỗi đầu năm học mới. Cực mà vui…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét