Marketing Trực Tuyến

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

Khi ngân hàng Nhà nước giận...

Nhiều ngân hàng thương mại chỉ trích rằng ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì một cái nhìn cứng nhắc về thị trường liên ngân hàng, khi quan niệm thị trường liên ngân hàng chỉ là để cấp cứu và chỉ cho phép các ngân hàng thương mại vay không quá 20% từ thị trường này.
Giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ USD (Ảnh: SGTT)

Có điều gì đó khó hiểu trong thông điệp của thống đốc Ngân hàng Nhà nước gửi tới các ngân hàng thương mại qua báo chí. Trong cuộc phỏng vấn với một trang báo điện tử tuần này, thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết sẽ “mạnh tay” xử lý nghiêm với những ngân hàng đang tiếp tục tăng lãi suất huy động, đi ngược lại với chủ trương của chính phủ.

Có xử lý được không?

“Xử l‎ý nghiêm” là như thế nào? Theo tìm hiểu của phóng viên, không có biện pháp chế tài cụ thể nào với hành vi tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại. Sau khi đã áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận, bỏ quy định về lãi suất cơ bản, thì việc áp dụng lãi suất như thế nào cho hợp l‎ý là việc của mỗi ngân hàng.

Hiệp hội ngân hàng đưa ra đề xuất các ngân hàng cùng nhau giảm lãi suất theo chủ trương của chính phủ; nhưng đây không phải là quy định bắt buộc, nên cũng không thể có chế tài nào bắt ngân hàng thương mại thực hiện đúng theo như vậy.

Các ngân hàng tự điều tiết việc kinh doanh của họ theo tình hình thị trường, và trong thời điểm hiện nay, nhiều ngân hàng cho rằng họ có những áp lực không thể hạ được lãi suất.

Hiện nay, cho dù chủ trương của chính phủ là làm sao cho lãi suất giảm nhằm kích thích hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhưng lãi suất vẫn chưa có xu hướng giảm. Lãi suất khó lòng giảm được trong khi các ngân hàng thương mại vẫn đang huy động vốn với lãi suất cao trên 12%.

Chủ trương không được thực hiện, ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ xử lý bằng cách… kiểm tra, thanh tra. Theo các ngân hàng thương mại, đây là “sách lược cũ” từ trước tới nay, một điều khiến ai cũng ngán.

Một giám đốc ngân hàng đề nghị không nêu tên cho rằng biện pháp này giống như sử dụng công an khu vực đi kiểm tra: “Cứ thanh tra là các ngân hàng hết làm ăn. Không khí làm ăn cũng không thoải mái nữa”.

Dù việc kiểm tra có đưa ra kết quả là ngân hàng thương mại A hoặc B lén tăng lãi suất huy động đi ngược lại chủ trương, thì ngân hàng Nhà nước cũng không thể phạt ngân hàng thương mại. Điều đáng sợ đối với ngân hàng thương mại có lẽ là việc thanh tra sẽ lòi ra những chuyện khác.

Ngân hàng Nhà nước chắc cũng hiểu rõ nỗi sợ hãi này, nên mới “dọa”. Thống đốc Giàu đã chốt thêm một câu rằng ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến từ Hiệp hội ngân hàng về việc minh bạch hóa một số thông tin hoạt động của ngân hàng thương mại, như tiến độ tăng vốn điều lệ, tỷ lệ nợ xấu cũng như các vi phạm. Ông cũng cho biết thêm về việc sẽ công bố xếp hạng tín nhiệm ngân hàng.

Nỗ lực của ngân hàng Nhà nước đưa việc điều tiết lãi suất một cách gián tiếp thông qua các nghiệp vụ thị trường mở thay vì các mệnh lệnh hành chính dường như chưa đem lại được nhiều thay đổi. Thị trường có vẻ như vẫn chưa vận hành theo ý chí của chính phủ.

Điều này, giữa lúc Quốc hội đang xem xét thông qua Luật ngân hàng sửa đổi, trong đó có việc bãi bỏ hoàn toàn những quy định về lãi suất cơ bản và lãi suất trần, đang đặt ngành ngân hàng vào thế khó khăn.

Lãi suất tự do và lãi suất quy định

Có thể miêu tả thị trường hiện tại đang đi theo xu hướng lãi suất tự do, chỉ có điều những gì đang xảy ra không hoàn toàn hợp ý cơ quan quản lý nhà nước. Chẳng hạn, nhiều ngân hàng thương mại cho biết họ khó giảm được lãi suất huy động khi các khách hàng là những doanh nghiệp lớn toàn “mặc cả” lãi suất.

Nếu huy động ở lãi suất thấp thì họ mất khách hàng. Lãi suất huy động cao giữ cho lãi suất cho vay ở mức cao. Ngay cả lãi suất trái phiếu kho bạc, được coi là thấp nhất, cũng vẫn đang ở mức 12%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng tiền đồng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng USD.

Chênh lệch giữa lãi suất USD và lãi suất tiền VND - lên tới gần 10% trong thời gian qua -- là nguyên do chính của tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp đối với VND. Việc vay USD được cho là có lợi với doanh nghiệp xuất khẩu trong thời điểm hiện nay, nhưng về lâu dài tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến khả năng căng thẳng ngoại tệ và mất giá tiền đồng trong tương lai.

Lãi suất cao khiến cho thị trường có cảm giác như chính phủ thắt chặt tiền tệ, mặc dù theo NHNN, điều này không hề có. Ngân hàng Nhà nước cho biết đã nới lỏng tiền tệ bằng việc bơm tiền ra thị trường, thông qua thị trường liên ngân hàng.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại chỉ trích rằng ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì một cái nhìn cứng nhắc về thị trường liên ngân hàng, khi quan niệm thị trường liên ngân hàng chỉ là để cấp cứu và chỉ cho phép các ngân hàng thương mại vay không quá 20% từ thị trường này.

Tình hình này cho thấy ngân hàng Nhà nước có rất nhiều vấn đề chính sách cần giải quyết, mà biện pháp hành chính có vẻ nhưng sẽ không đem lại kết quả như mong muốn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét