Marketing Trực Tuyến

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2010

Xăng dầu hay thuốc lá cần đánh thuế môi trường?

Thuốc lá, hóa chất tẩy rửa… được mang ra so sánh với xăng, than, túi nilon (nhóm hàng hóa bị đề xuất áp thuế bảo vệ môi trường) về độ độc hại, ô nhiễm. Đại biểu QH cảnh báo luật xây dựng nhắm đánh không đúng đối tượng.

Thuốc lá 2 lần đáng đánh thuế
Xung quanh vấn đề 5 nhóm đối tượng chịu thuế (xăng dầu, than, dung môi chất làm lạnh HCFC, túi nhựa xốp, thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng) đề xuất trong Luật thuế bảo vệ môi trường có rất nhiều ý kiến tranh luận. Không hẹn mà gặp, rất nhiều đại biểu đề xuất đưa thuốc lá vào đối tượng chịu thuế.
Cả chục đại biểu cùng kiến nghị thêm thuốc là vào đối tượng chịu thuế môi trường (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Lê Dũng (Tiền Giang) phân tích thiệt hơn, thuốc lá là mặt hàng không khuyến khích nhưng lại quá nhiều người tiêu dùng. Dù thuế tiêu thụ đặt biệt đã tới 65%, Việt Nam vẫn là nước có giá thuốc lá rẻ nhất thế giới. 11,5% nam giới hiện hút thuốc lá, 40.000 người chết mỗi năm vì thuốc lá, cao gấp mấy lần tai nạn giao thông, chi phí cho người hút thuốc lá lên tới 14.000 tỷ đồng mỗi năm, chưa tính tiền trị bệnh.
“Thuốc lá gây ô nhiễm như vậy, nên thu thuế thật cao để hạn chế tiêu dùng” - ông Dũng kiến nghị.
Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) kê thêm một loạt số liệu dẫn chứng về tác hại của thuốc lá với sức khỏe, môi trường. Khói thuốc là là chất gây ung thư loại 1, có chứa độc tố, phóng xạ gây rối loạn thần kinh, nội tiết. Với môi trường, có thể thấy tàn thuốc, mẩu thuốc lá vứt mọi nơi mọi chỗ trong khi hầu hết các loại đầu lọc không thể tái sinh, rất lâu năm mới có thể phân hủy.
Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Mỗi năm, các nhà máy cung cấp cho thị trường hơn 4 tỷ bao thuốc, giá rất thấp, trung bình chỉ hơn 0,2 USD/bao.
Thuốc lá thành phẩm cũng như các thành phần nguyên liệu đáp ứng đầy đủ điều kiện của đối tượng phải đánh thuế. Đưa thuốc lá vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường giúp đẩy giá thuốc lá lên cao hơn là một biện pháp mạnh mẽ để kiếm chế sử dụng, đảm bảo quyền cho người không hút thuốc được hít thở một bầu không khí đỡ ô nhiễm hơn.
Thuế đang nhắm đánh người làm ra sản phẩm ô nhiễm hay người tiêu dùng? (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên - Huế) giới thiệu thêm một “ứng viên” là các loại hóa chất tẩy rửa từ dầu gội, xà phòng, nước rửa chén, lau sàn… sử dụng trong mỗi gia đình hàng ngày. Bà Hồng lo khả năng tất cả các loại sản phẩm này này thải vào nguồn nước sẽ gây phản ứng, tạo ra những hợp chất khác tác động nguy hại đến môi trường mà hậu quả khó lường trước.
Đánh thuế thêm với những mặt hàng này, đại biểu mường tượng có ngày sẽ gặp lại hình ảnh những chậu nước thơm mùi bồ kết, cảnh chồng múc nước dội cho vợ gội đầu… đã vắng bóng lâu lắm rồi.
Thuế môi trường “nhắm đánh”… dân nghèo?
Đánh giá chung của nhiều đại biểu, việc định cứng 5 nhóm hàng hóa chịu thuế chưa bao quát và bản thân các đối tượng được liệt kê xét theo mục đích đánh thuế cũng chưa đủ cơ sở, tiêu chí thuyết phục.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) đặt câu hỏi, đối tượng chịu thuế là hàng hóa gây ô nhiễm nhưng để đánh vào người làm ra sản phẩm hay người tiêu dùng?
Ông Dũng lấy ví dụ với rác thải, những người nhặt nilon, nhựa phế phẩm rất nghèo khổ liệu có bị đánh thuế trong khi việc nhặt rác của họ may cho cả xã hội. Ông Dũng cho rằng cần đánh thuế vào những người không chịu xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến mà chỉ mang chôn lấp. Hàng năm cả nước tốn khoảng 15.000 tỷ đồng, không biết bao nhiêu diện tích đất để sử dụng cho việc chôn lấp rác thải, quá lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng: “Cần đánh thuế những người chủ trương chôn lấp rác” (ảnh: Việt Hưng).
Với nhóm mặt hàng túi nhựa xốp, ông Dũng cho rằng có đánh thuế cũng không lại được so với chi phí xử lý trong khi nếu thu gom số túi ninlon phế phẩm để làm ống cống thì lại rất tốt, bền dẻo, chống va đập, dập vỡ.
Ông Dũng phàn nàn luật đang “nhắm” đánh thuế vào người dân chứ không phải người sản xuất hàng hóa gây ô nhiễm.
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) xoay qua khung thuế dự định áp cho xăng dầu, cho rằng có nhiều bất hợp lý khi mức thuế cho xăng tới 4.000 đ/lít, dầu 2.000 đ/lít trong khi xăng ít ô nhiễm hơn. So với than, loại nhiên liệu thải nhiều khí CO2 hơn, thuế suất chỉ bằng 1% giá bán trong khi xăng dầu chịu thuế tới 25% giá bán.
Liệt kê các loại thuế, phí mặt hàng xăng dầu, ông Út cảnh báo tình trạng thuế chồng lên thuế, thêm mức thuế bảo vệ môi trường dự kiến sẽ tác động xấu đến thị trường, đa số người tiêu dùng là dân lao động, người sản xuất.
Đại biểu Y Ngọc (Kon Tum) cho rằng, nếu thuế làm đẩy thêm giá xăng, người sản xuất nhỏ sẽ phải xoay sang dùng than, khả năng gây ô nhiễm hơn nhiều. Ngành điện hiện là hộ tiêu dùng than lớn nhất. Nếu than tiếp tục bị đánh thuế chắn chắn đẩy giá thành sản xuất điện lên, nguồn cung điện vốn đang thiếu sẽ càng khó khăn. Nơi chưa có điện, xăng dầu, than càng là mặt hàng quan trọng, thiết yếu.
Đại biểu đánh giá, dự luật mới chỉ chung chung, cào bằng, thêm gánh nặng cho người nghèo.
P. Thảo
(Dân trí)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét