Marketing Trực Tuyến

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2010

Nỗi đau tột cùng của gia đình có 3 con cháu bị tử nạn

(Dân trí) - “Đêm đó, vợ chồng nó bồng con đi, không hiểu sao tui không ngủ được. Trưa hôm sau, tui nhận tin con, cháu mình tử nạn. 6h chiều cùng ngày, xe đưa 3 quan tài về tận nhà, lúc đó tôi mới tin là sự thật”.
>> 18 giáo viên gặp nạn khi đi tham quan

Người cha nghẹn ngào nói về gia đình đứa con trai xấu số - thầy giáo trẻ Trần Tuấn Anh (30 tuổi, giáo viên trường THPT Trần Quốc Đại, thị trấn Gò Dầu, Tây Ninh).


Không khí tang thương bao trùm lên xóm vắng khi tai nạn ập xuống cả gia đình thầy giáo trẻ.

Ngày 26/5, thầy Anh cùng các bạn đồng nghiệp đi tham quan biển Ninh Chữ (Ninh Thuận). Trên chuyến xe, ngoài giáo viên của trường còn có vợ con, người thân đi cùng.

Rạng sáng 27/5, khi xe đang bon bon trên Quốc lộ 1A (thuộc thôn Lạc Sơn 2, Cà Ná, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) thì xe bất ngờ lộn ngược xuống đường. Vụ tai nạn giao thông ấy đã làm 15 người bị thương, riêng thầy giáo trẻ Trần Tuấn Anh cùng vợ Đặng Thị Thu Tâm (29 tuổi) và con gái 10 tháng tuổi - Trần Đặng Mai Anh chết ngay tại chỗ.

Tin gia đình thầy Anh tử nạn như sét đánh ngang tai, ập về xóm nhỏ ở thị trấn Bến Cầu (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) và ngôi trường Trần Quốc Đại, nơi thầy đang giảng dạy.

Ngôi trường vắng lặng, hàng phượng vĩ cũng xao xác buồn. Các lớp ôn luyện thi tốt nghiệp của học sinh khối 12 đóng cửa. Tin các thầy cô giáo bị thương; thầy giáo trẻ hiền, vui tính Tuấn Anh tử nạn khiến ai cũng đau xót, không còn tâm trạng để học.
Từ nay, ngôi trường THPT Trần Quốc Đại sẽ vắng bóng thầy giáo dạy môn Địa, Phó Bí thư đoàn trường, hiền, vui, hay hát.

Chiều, cái xóm gần biên giới vắng lặng, buồn thê lương. Trong căn nhà nhỏ, 3 quan tài được đặt ngay ngắn. Từng dòng người là những bạn bè, đồng nghiệp… lặng lẽ trong cơn mưa rả rích đến viếng gia đình thầy Tuấn Anh. Tiếng đàn cất lên ai oán càng làm tăng thêm cái não nùng, đau thương cho thân nhân của những người xấu số.

Ông Trần Văn Trèo (60 tuổi) cha của thầy Tuấn Anh kể: “Ban đầu, tui không đồng ý cho đứa cháu nội 10 tháng tuổi đi theo. Nhưng lúc chuẩn bị đi thì cháu khóc quá nên tui phải cho đi và dặn cha mẹ chăm sóc kỹ vì cháu còn quá nhỏ. Đêm đó, vợ chồng nó bồng con đi, không hiểu sao tui không ngủ được. Trưa hôm sau, tui nhận tin con, cháu mình tử nạn. 6h chiều cùng ngày, xe đưa 3 quan tài về tận nhà, lúc đó tôi mới tin là sự thật. Còn nỗi đau nào hơn hả anh ơi!”.

Khi nghe tin con cháu tử nạn, gia đình bà Long phải chạy vạy khắp nơi để mượn đủ 8 triệu trả tiền xe chở tử thi. Còn tiền tổ chức đám tang được một người bà con cho mượn tạm. Từ khi xảy ra tai nạn đến nay, gia đình cho hay họ chưa nhận bất cứ khoản hỗ trợ chính đáng nào từ phía nhà trường và công ty thực hiện hợp đồng tổ chức chuyến tham quan này.

Ngồi lặng lẽ bên quan tài chị Đặng Thị Thu Tâm, cha của chị, ông Đặng Ngọc Châu (53 tuổi) không còn nước mắt để khóc. Người cha cả một đời đi ghe long đong trên sông nước miền Tây tâm sự: Tâm là con gái thứ 3 trong gia đình. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tâm lên TPHCM học kế toán và phải lòng chàng sinh viên sư phạm Trần Tuấn Anh. Sau khi kết hôn, Tâm về quê chồng ở Tây Ninh. Hằng ngày, Tuấn Anh đi dạy còn Tâm làm kế toán cho siêu thị ở cửa khẩu Mộc Bài.

“Nghe tin vợ chồng con gái bị tai nạn, tôi tức tốc từ Bến tre lên đây. Vợ chồng nó còn ấp ủ biết bao hoài vọng mà giờ đã đi rồi. Từ đây, tôi không còn được thấy con gái mình ẵm cháu ngoại về cho tôi bồng nữa, đau lắm anh ơi!”, người cha tội nghiệp nói trong nước mắt.

Có đau đớn nào hơn khi chứng kiến cảnh “người đầu bạc tiễn mái đầu xanh”. Bà Trần Thị Long (56 tuổi) mẹ của thầy Tuấn Anh cứ nức nở khi nhìn vào di ảnh của con mình. Bà kể, Tuấn Anh là con thứ 4 trong gia đình có 6 người con. 4 chị, em gái của Tuấn Anh đều có gia đình nhưng cũng đi làm thuê nên nghèo khó. Đứa em trai út thì mới đi nghĩa vụ được 2 tháng. Cha mẹ già, thường xuyên ốm đau. Tất cả đều trông cậy vào đồng lương của đứa con thành đạt nhất nhà này.

Ở trường, Tuấn Anh được đồng nghiệp thương mến, học trò kính nể. Về nhà, anh vui vẻ, hiền hậu nên hàng xóm ai cũng quý trọng.

“Có vợ con, nhưng nó không ra ở riêng mà xin tui cho nối thêm một gian vào ngôi nhà chính để tiện chăm sóc cha mẹ. Mỗi tháng, đồng lương ít ỏi, nó chi tiêu dè xẻn, còn tiết kiệm đem về cho cha mẹ, vợ con. Giờ nó ra đi đột ngột thế này, còn đau đớn nào hơn…”, người mẹ một đời tần tảo nhìn vào di ảnh con, khóc rưng rức.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét