Marketing Trực Tuyến

Thứ Tư, 2 tháng 6, 2010

Tạm ứng 500 tỷ đồng bình ổn giá 9 mặt hàng thiết yếu

(Dân trí) - UBND TP Hà Nội đã quyết định tạm ứng 500 tỷ đồng, trong đó 100 tỷ đồng để dự trữ hàng phục vụ cứu trợ khi có thiên tai, bão lụt, úng ngập. Còn 400 tỷ đồng tạm ứng cho một số doanh nghiệp, lãi suất 0% để dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu.

Thịt gia súc là 1 trong 9 mặt hàng được TP hỗ trợ bình ổn giá cả (Ảnh: baovietnam.vn)
Các mặt hàng bao gồm: gạo trắng thường (6.400 tấn); thịt gia súc (1.520 tấn); thịt gia cầm (560 tấn); trứng gia cầm (12.000 nghìn quả); thực phẩm chế biến (1.280 tấn); thủy, hải sản đông lạnh (800 tấn); dầu ăn (240 nghìn lít); đường RE (240 tấn); rau, củ (4.000 tấn).

Thời gian chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu bình ổn thị trường của thành phố trong 10 tháng (bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào quý I năm sau). Thời gian hoàn trả vốn tạm ứng được xác định cụ thể, riêng biệt theo từng đợt giải ngân.

Thành phố yêu cầu các doanh nghiệp được thành phố tạm ứng vốn phải thực hiện treo biển nhận diện cửa hàng, điểm bán hàng bình ổn giá trong suốt thời gian tổ chức bán hàng. Về chất lượng các mặt hàng được bán phải đảm bảo chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động giá, không để xảy ra tình trạng hàng hóa kém phẩm chất, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Trong điều kiện thị trường có biến động cung cầu, giá cả, tổ công tác liên Sở Công thương - Tài chính sẽ yêu cầu các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ bình ổn thị trường thực hiện bán thấp hơn tối thiểu 10% giá thị trường tùy theo mức độ biến động của thị trường. Nếu nguyên nhân biến động thị trường là do yếu tố khan hiếm hàng hóa giả tạo, các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ bình ổn thị trường phải căn cứ chi phí, lợi nhuận hợp lý với điều kiện kinh doanh cụ thể của đơn vị mình để điều chỉnh giá bán phù hợp với giá trị hàng hóa, chi phí và nhu cầu thực tế của thị trường tại thời điểm có biến động đột biến.

Thành phố giao Sở Công thương phối hợp với Sở Tài chính xây dựng tiêu chí cụ thể để xét chọn doanh nghiệp tham gia, xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của các doanh nghiệp. Đồng thời thẩm định phương án bình ổn giá của doanh nghiệp và đề xuất UBND thành phố ban hành phương án hỗ trợ tài chính, mức hỗ trợ vốn cho từng doanh nghiệp được giao nhiệm vụ bình ổn thị trường.

Đặc biệt phải kiểm tra tiến độ tạo nguồn hàng thiết yếu của các doanh nghiệp về số lượng, chủng loại, chất lượng hàng hóa tham gia bình ổn; kiểm tra việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, đăng ký giá đối với các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá của thành phố.

Chi cục quản lý thị trường phối hợp với UBND các quận, huyện và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp: đầu cơ hàng hóa, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ và các hành vi vi phạm hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại theo thẩm quyền.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét