Marketing Trực Tuyến

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2010

Điêu đứng vì mùi xú uế từ trại lợn

(Dân trí) - Hàng trăm hộ dân cư của các xã Minh Lộc, Hoa Lộc, Phú Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) lâu nay điêu đứng vì mùi hôi thối bốc ra từ một trang trại lợn tại xã Minh Lộc. Đặc biệt trong những ngày nắng nóng, mùi xú uế càng thêm ngột ngạt.
Theo phản ánh của người dân, trong nhiều tháng qua, từ ngày trang trại lợn này đi vào hoạt động, người dân nơi đây “mất ăn mất ngủ”, thậm chí sinh bệnh.
Người dân bức xúc trình bày sự việc với PV

Bà Nguyễn Thị Khiêm, thôn 9, xã Hoa Lộc, bức xúc: “Cứ gió lên đến đâu là thối đến đó, chịu không nổi. Con nít thì thường xuyên bị viêm đường hô hấp, cứ ngửi mùi là buồn nôn, ốm suốt ngày. Kêu nhiều rồi mà có thấm gì đâu. Trời này mà đóng cửa lại thì nóng phải biết, mà mở cửa thì lại thối, cứ đà này thì dân chúng tôi biết sống làm sao được”.

Được biết, trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp này nằm giữa địa bàn thôn Minh Thành và Minh Hùng (xã Minh Lộc), dọc theo con sông cầu De nên ảnh hưởng sang cả các xã lân cận.

Hàng trăm hộ dân của thôn Thuận Nhất, xã Phú Lộc do nằm dọc con sông cầu De nên cũng phải hứng chịu mùi hôi thối từ trang trại này phát ra. Trẻ con và người già thường mắc các chứng bệnh về đường hô hấp như nghẹt mũi, buồn nôn… Hầu hết các gia đình ở đây phải thường xuyên đóng kín cửa nhưng vẫn không ngăn nổi mùi hôi thối nồng nặc từ các trang trại nuôi lợn gần đó.
Đã đi vào hoạt động hơn nửa năm nhưng các trang trại vẫn chưa hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải và khí thải

Ông Hà Đức Do, trưởng thôn 9, xã Hoa Lộc cho biết: “Nhiều hôm các trang trại ở đây xả trộm chất thải ra sông khiến đặc đen cả dòng sông, tôm cá chết rất nhiều. Chúng tôi đã họp dân và kiến nghị rất nhiều nhưng đến nay chưa được giải quyết. Tới đây nếu vẫn còn tình trạng này thì chúng tôi sẽ khởi kiện chứ không kiến nghị nữa vì đã kêu nhiều rồi mà có thay đổi gì đâu”.

Được biết hệ thống trang trại chăn nuôi lợn ở đây là của các cá nhân trên địa bàn xã Minh Lộc (Hậu Lộc) được xây dựng theo chương trình chăn nuôi theo hướng công nghiệp của UBND tỉnh Thanh Hóa. Trang trại bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2009, với quy mô 11 trại, mỗi trại từ 500 - dưới 1.000 con.

Mỗi trang trại được Nhà nước đầu tư 600 triệu để làm đường giao thông, đường điện, hệ thống cấp thoát nước. Riêng hệ thống xử lý chất thải và khí thải là do các chủ trang trại phải bỏ tiền ra làm. Tuy nhiên cho đến nay, sau hơn nửa năm đi vào chăn nuôi, nhiều trang trại vẫn chưa xây dựng xong hệ thống xử lý chất thải và khí thải.

Con sông cầu De chạy qua địa bàn huyện Hậu Lộc, cung cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt cho người dân các xã Minh Lộc, Hoa Lộc và Phú Lộc. Tuy nhiên thời gian gần đây người dân không dám lấy nước từ con sông này để sinh hoạt nữa.

Theo người dân cho biết thì nhiều lần các chủ trại ở đây xả trộm chất thải trực tiếp ra sông khiến nguồn nước ở đây bị ô nhiễm. Nhiều lần người dân còn phát hiện lợn chết đã bị cắt chân và tai trôi lềnh bềnh trên sông.
Lợn chết trôi nổi trên sông cầu De

Trao đổi với Dân trí, ông Vũ Huy Đăng, Chủ tịch UBND xã Minh Lộc cho biết: “Xã đã mời các chủ trang trại đến làm việc và yêu cầu thực hiện đúng cam kết về môi trường đã ký. Tới đây xã sẽ triển khai trồng hệ thống cây xanh để hạn chế mùi hôi thối lan toả”.

Ông Đăng cho biết thêm: “Nếu các chủ trại không thực hiện đúng cam kết thì chúng tôi sẽ xử lý và đình chỉ sản xuất. Trước đây chúng tôi cũng đã cảnh cáo và nhắc nhở một số chủ trại vi phạm”.

Ông Nguyễn Quang Thái, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hậu Lộc cho biết, ngành tài nguyên cũng đã thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra rồi nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm được. Thời gian tới đây ngành sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tiến hành kiểm tra xử lý những trang trại nào vi phạm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét